X

Vai trò của vật liệu kính trong kiến trúc nhà ở hiện đại

Vật liệu kính được ứng dụng rộng rãi trong nhiều công trình, đa dạng về chủng loại, kích thước, chất lượng cũng như giá thành. Trong nhiều công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, vật liệu kính là thành phần chủ chốt tạo nên nhiều giá trị và tính thẩm mỹ.

Tuy nhiên, để kính có thể phát huy hết vai trò của mình thì người kiến trúc, người xây dựng và cả gia chủ cần quan tâm đến một số thông tin cần thiết sau.

Ứng dụng của vật liệu kính

Trong phong cách kiến trúc nhà ở hiện đại, chúng ta dễ dàng bắt gặp vật liệu kính với nhiều vai trò khác nhau, vừa là vật liệu cơ bản, vật liệu hoàn thiện và vật liệu trang trí, đem đến nhiều lợi ích cho không gian. 

Vật liệu kính đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, qua thời gian đã xâm nhập vào Việt Nam và trở thành phong cách thịnh hành, mang tính ứng dụng rộng rãi, đó có thể là bệnh viện, trung tâm mua sắm, nhà ga, sân bay, nhà ở,... hay gần gũi hơn chính là cửa sổ, cửa chính, cầu thang, giếng trời, những vật dụng quen thuộc ngay trong ngôi nhà của bạn.

Nhiều ưu điểm là thế nhưng vật liệu kính cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhất là vùng thời tiết khí hậu nhiệt đới mưa gió thất thường như Việt Nam. Việc lạm dụng hay sử dụng vật liệu kính không đúng cách sẽ đem lại nhiều tác hại như nắng nóng, chói, dễ thất thoát năng lượng, không đảm bảo sự riêng tư,...

Ưu điểm từ các vật liệu kính là gì?

Kính là loại vật liệu đặc biệt, được sử dụng trong nhiều công trình từ những công trình lớn như nhà cao tầng, chung cư, bệnh viện, trung tâm thương mại,... đến những nơi dân dụng hơn như nhà ở, cửa hàng,... Tính ứng dụng cao này có được là nhờ vật liệu kính mang trong mình nhiều ưu điểm vượt trội, rất được ưa chuộng.

Giải pháp mở rộng tầm nhìn, không gian mở và đảm bảo độ sáng tự nhiên

Ưu điểm đầu tiên của vật liệu kính mà ta có thể nhắc đến chính là tầm nhìn. Khác với những vách ngăn với chất liệu thông thường như gạch, bê tông, gỗ, rèm,... kính mang đến cho gia chủ khoảng không gian bao quát, không bị cản trở.

Với những căn nhà ở hiện đại có gắn kính, người trong nhà dễ dàng thu vào mắt mình phong cảnh xung quanh, những con đường có tán cây xanh, dãy phố lên đèn, người xe đi lại,... đây là phút giây thư giãn đáng quý sau những giờ làm việc học tập mệt mỏi.

Mang đến giá trị thẩm mỹ cao

Kính mang đến vẻ đẹp phóng khoáng, trẻ trung và hiện đại. Bên cạnh các kiến trúc tường gạch quen thuộc, sự xuất hiện của vật liệu kính làm phong phú thêm chất liệu bề mặt, gia chủ có thể tận dụng những tấm kính có họa tiết, hoa văn mang tính chất nghệ thuật, màu sắc đa dạng theo ý muốn để sử dụng cho nhà ở của mình.

Dễ lau chùi, vận chuyển và thi công lắp đặt

Khác với các vật dụng bám bụi "dai" như gỗ, tường sơn, kim loại,... bề mặt kính nhẵn rất dễ lau chùi, chỉ cần sử dụng khăn lau cùng một số chất rửa kính thông dụng thì kính đã lấy lại được vẻ đẹp sáng bóng như ban đầu. Chắc hẳn bạn bắt gặp những nhân viên vệ sinh đang lau chùi bề mặt kính của toà nhà cao tầng rồi chứ, việc lau dọn này không tốn quá nhiều thời gian mấy đâu!

Mặt khác, vật dụng kính mỏng, độ dày nhỏ và khối lượng nhẹ hơn so với những loại vật liệu khác, bạn dễ dàng sắp xếp và vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến công trình thi công. Thời gian thi công lắp kính cho nhà ở cũng nhanh và linh động hơn, giúp bạn phân phối thời gian hợp lý và tiết kiệm công sức, tài chính hơn so với những loại vâth liệu khác.

Khuyết điểm của vật liệu kính trong kiến trúc là gì?

Khuyết điểm của kính là điều không thể không nhắc đến khi gia chủ quyết định lựa chọn loại vật liệu này. Xem xét kía cạnh hạn chế sẽ giúp bạn có những giải phấp đúng đắn, để cho không gian ngôi nhà trở nên hoàn hảo hơn.

Hấp thụ nhiệt cao, dễ bắt nhiệt

Hấp thụ nhiệt cao, dễ bắt nhiệt là khuyết điểm lớn của vật liệu kính. Cấu tạo kính mỏng, trong suốt, hứng nắng hứng sáng tốt làm cho ngôi nhà trở nên nóng hơn, đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng oi bức.

Bề mặt kính sẽ rất nóng nếu bạn không trang bị cho nó những vật cản cần thiết. Không gian trong nhà sẽ vô cùng nóng, bí bách và các thiết bị điều hoà làm mát phải hoạt động hết công suất, rất tốn chi phí điện năng tiêu thụ.

Ngoài ra khoảng nhiệt chênh lệch trong môi trường giữa ngày và đêm thường rất cao, kính dễ bị nứt vỡ khi nhiệt độ thay đổi đột ngột và không đồng đều như vậy.

Nguy cơ vỡ kính nếu không xử lý tốt

Ngay từ thời điểm xuất hiện ban đầu, các vật liệu kính đã bộc lộ nhược điểm dễ vỡ, khả năng chịu lực kém và không mấy an toàn khi kính bị vỡ (mảnh kính sắc nhọn, dễ hây sát thương trên da). Khi gặp các sự cố cháy nổ, chấn động cơ học thì kính còn dễ bị phá huỷ và trở thành vật nổ với sức công phá rất mạnh.

Để an toàn, người xây dựng cần phải tính toán kỹ lưỡng những thông số cần thiết, lựa chọn chất liệu kính cường lực chuyên dụng để thi công. Và thực tế chỉ ra rằng các công trình kiến trúc kính lớn, trang bị đầy đủ các phương án an toàn thường rất chắc chắn và ít khi xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Ánh sáng phản xạ chói mắt

Kính có khả năng phản xạ ánh sáng rất tốt tuỳ theo góc nhìn và sự thay đổi hướng của Mặt Trời trong ngày. Sự phả xạ này tạo ra các chùm tia chói mắt, ảnh hưởng đến thị lực và sự tập trung của người ở bên trong và ngoài ngôi nhà. 

Sự riêng tư

Sự riêng tư bị ảnh hưởng cũng là một rong những khuyết điểm rất lớn của vật liệu kính. Sự trong suốt của kính cho phép người bên ngoài có thể nhìn thấy toàn bộ không gian bên trong, do vậy khi lắp kính cho nhà ở thì bạn cần trang bị thêm một số vật dụng cần thiết để tránh sự "nhòm ngó" ác ý.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hầu hết các nhược điểm nêu trên đã được giải quyết. Một số giải pháp đã được đưa ra và mang về hiệu quả đúng mong đợi như dán kính phản quang 1 chiều, dán film cách nhiệt, dán kính mờ, giấy dán kính, dùng rèm che cửa,...