X

Ưu và nhược điểm của vật liệu kính trong xây dựng

Vật liệu kính được ứng dụng rộng rãi trong nhiều công trình xây dựng từ lớn đến nhỏ, kính có thể làm tường, vách ngăn, cửa sổ, cửa ra vào, thang máy,... Sự đa dạng về chủng loại và giá cả khiến thị trường kinh doanh vật liệu kính trở nên sôi nổi. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì kính vẫn tồn tại một số khuyết điểm đòi hỏi người dùng cần xem xét kỹ lưỡng.

Một số loại kính thường được ứng dụng trong xây dựng

Kính xây dựng thường được chế tạo đặc biệt để đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn an toàn cho công trình. Sử dụng kính làm tăng thêm vẻ đẹp và sự sang trọng cho các tòa nhà, nó được đánh giá là một trong những vật liệu linh hoạt, dễ sử dụng và được ưa chuộng nhất trong ngành xây dựng.

1. Kính hộp

Kính hộp hay còn gọi là kính cách nhiệt, được cấu tạo bởi 2 hoặc nhiều lớp, khoảng trống giữa được tích hợp các thành phần chuyên dụng như kim loại đệm có chứa hạt hút ẩm, các chất khí trơ,... Với thiết kế đặc biệt này, vật liệu kính hộp có tác dụng ngăn cản truyền nhiệt rất hiệu quả.

2. Kính cường lực

Kính cường lực có sức căng bề mặt rất lớn, khả năng chịu lực, chống va đập gây đứt vỡ. Kính cường lực thường được sử dụng tại những vị trí đặc biệt như tường bao ngoài, cửa, vách ngăn các khu vực,... Ngoài ra, kính còn có khả năng chịu nhiệt cao, không bị biến dạng nhiệt.

3. Kính phản quang

Kính phản quang được thiết kế với 1 lớp tráng oxit kim loại có tính phản quang, vật liệu kính này có khả năng cản bức xạ mặt trời rất tốt, giảm nguồn nhiệt nóng, chống chói loá ánh sáng,... thường được ứng dụng trong các công trình nhà ở, nhà cao tầng, chung cư,...

4. Kính Low-e

Kính Low-e được chế tạo theo dây chuyền công nghệ hiện đại, nổi bật với khả năng làm giảm hấp thụ nhiệt, cản quá trình truyền tải nhiệt lượng. Bề mặt kính được thổi nhiều lớp kim loại cùng các hoá chất chuyên dụng để cản sức nóng bề mặt. Vật liệu kính Low-e thích hợp sử dụng tại những nơi có môi trường nhiệt độ nắng nóng cao như Việt Nam. 

Ngoài ra còn rất nhiều loại kính khác được tin dùng như kính dán an toàn, kính uốn cong, kính sơn chịu nhiệt, kính chống đạn,...

Ưu và nhược điểm của vật liệu kính trong xây dựng

Nhiều công dụng, đa dạng về chủng loại, giá cả phong phú,... là những đặc điểm kiến cho vật liệu kính được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nó không tuyệt đôi hoàn hảo, kính cũng có một số ưu và khuyết điểm cho riêng mình!

Ưu điểm

Một số ưu điểm khiến vật liệu kính thường được dùng trong các công trình xây dựng như:

  • Dễ dàng chế tạo, linh hoạt hình dạng, tiện lợi vận chuyển: Thành phần chính trong cấu tạo của kính là cát, trải qua quá trình áp dụng nhiệt cao. Nhà sản xuất có thể dễ dàng đúc kính thành bất kỳ hình dáng và kích thước nào theo yêu cầu. Các tấm kính cũng được đánh giá là nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt hơn rất nhiều loại vật liệu xây dựng khác
  • Vật liệu mang tính thẩm mỹ cao, đảm bảo cường độ ánh sáng phù hợp cho không gian trong nhà nhờ vào đặc điểm trong suốt.
  • Độ bền cao, ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết như mưa, gió. Khác với các loại tường sơn sau một thời gian sẽ bị nhạt màu, dễ bong tróc và rất hạn chế tẩy rửa, vật liệu kính vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp ban đầu dù đã được sử dụng nhiều năm.
  • Kính không dẫn điện, bảo vệ ngôi nhà khỏi nguy cơ về điện có thể xảy ra. Đảm bảo an toàn cho người và vật bên trong khi thời tiết mưa gió, sấm chớp.

Nhược điểm

Ngay từ thời điểm xuất hiện thì kính đã có một số nhược điểm vốn có, trải qua quá trình ứng dụng thực tế, nghiên cứu và cải tiến thì các khuyết điểm này đã dần được khắc phục. 

  1. Kính là vật liệu dễ vỡ khi có lực tác động mạnh. Hiện nay, các loại kính cường lực, kính bán cường lực đã giải quyết được vấn đề này.
  2. Nguy hiểm khi kính bị vỡ, dễ gây sát thương cho người lớn và trẻ nhỏ
  3. Vận chuyển kính cần có những phương án bảo vệ bề mặt an toàn, tránh cọ xát lực mạnh là xước, tạo vết nứt gãy không đáng có.
  4. Kính thông thường có khả năng truyền nhiệt cao hơn các loại vật liệu khác. Để khắc phục được nhược điểm này, bạn có thể sử dụng các loại kính cách nhiệt chuyên dụng hoặc dán phim cách nhiệt trên bề mặt kính.
  5. Chi phí cao đối với những loại kính có bề mặt thiết kế đẹp, sang trọng và cầu kỳ. 
  6. Vật liệu kính trong suốt khiến sự riêng tư không được đảm bảo, xuất hiện nhiều tình huống nguy hiểm khi kẻ gian rình rập. Sử dụng rèm cửa, dùng giấy dán kính phản quang, dán kính mờ,... sẽ là giải pháp phù hợp.

Trên đây là một số ưu và nhược điểm của vật liệu kính trong xây dựng. Mặc dù tồn tại một vài khuyết điểm nhưng vật liệu kính vẫn có tính ứng dụng rất cao, được nhiều người tin dùng cho nhiều công trình.

>> Xem thêm bài viết:

Sự khác biệt đặc điểm vật liệu kính trước và sau khi dán phim cách nhiệt