Ánh sáng giúp ta nhìn rõ vạn vật xung quanh. Mỗi ngày, mắt chúng ta đều tiếp xúc với ánh sáng, có ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng không thấy được. Ánh sáng nhìn được là các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người.
Vậy bước sóng ánh sáng là gì? Hãy cùng Nanofilm khám phá những điều cần biết về bước sóng ánh sáng qua bài viết sau nhé!
Bước sóng ánh sáng là gì?
Mặt trời chính là nguồn sáng chính của Trái Đất, ngoài ra một số loại động vật cũng có khả năng tự tạo ra ánh sáng của riêng chúng. Trải qua quá trình tiến hóa, con người cũng đã tìm ra nguồn cung cấp ánh sáng thứ hai chính là lửa. Trong thời đại phát triển văn minh, đèn và hệ thống đèn điện đã trở thành nguồn cung cấp ánh sáng chủ động, hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.
Ánh sáng thực chất là những bức xạ điện từ có chuyển động giống như sóng biển. Có sóng lớn và sóng nhỏ. Độ lớn của sóng được gọi là bước sóng và độ dao động được gọi là tần số.
Cụ thể, bước sóng là khoảng cách gần nhất giữa hai điểm dao động cùng pha hay khoảng cách giữa hai đỉnh sóng (điểm dao động cực đại) tại một thời điểm nhất định.
Ánh sáng chỉ là một phần rất nhỏ của quang phổ bức xạ điện từ. Ánh sáng nhìn thấy được hay còn gọi là ánh sáng khả kiến có chứa một vùng tần số duy nhất mà các tế bào hình que và hình nón của mắt người phản ứng được. Và bước sóng ánh sáng con người thấy được có phạm vi rất hẹp, trong khoảng 380-760 nm.
Con người có thể quan sát và phản ứng lại sự kích thích tạo ra bởi ánh sáng nhìn thấy được là do mắt người có những đầu dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm với vùng tần số này. Tuy nhiên, phần còn lại của phổ điện từ thì không nhìn thấy được.
Một số loài động vật có thể nhìn thấy được bước sóng ánh sáng có tần số mà con người không nhìn thấy được. Ví dụ, ong hay một số loài côn trùng hoặc chim có thể nhìn thấy được tia cực tím. Ngoài ra, ánh sáng có nhiều màu sắc khác nhau. Màu sắc của ánh sáng thấy được tùy thuộc vào khả năng nhìn thấy của từng loài.
Màu sắc của ánh sáng tùy thuộc vào bước sóng của nó. Những màu chính trong ánh sáng trắng như đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm tím ứng với từng vùng ánh sáng có bước sóng lân cận nhau. Mắt và não con người có thể phân biệt nhiều màu sắc hơn màu quang phổ, đó là do não thu hẹp khoảng cách giữa các màu.
>> Bài viết liên quan: 7 lợi ích bất ngờ của ánh sáng mặt trời
Tính chất của bước sóng ánh sáng
Xung quanh chúng ta có nhiều nguồn có thể phát ra bức xạ điện từ và thường được phân loại theo phổ bước sóng mà các nguồn phát ra. Sóng ánh sáng được tạo ra bởi những xáo trộn trạng thái năng lượng của các electron tích điện âm bên trong nguyên tử.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ các phổ bức xạ điện từ nhưng chỉ nhìn thấy được một phần nhỏ dưới dạng ánh sáng khả kiến. Đây là phần ánh sáng tập hợp của nhiều bước sóng có thành phần thay đổi tùy theo nguồn phát.
Khi tìm hiểu về tính chất của bước sóng ánh sáng, bạn cần biết về tán sắc ánh sáng.
Tán sắc ánh sáng là sự phân phân tách một chùm sáng phức tạp thành các chùm sáng đơn sắc. Tán sắc ánh sáng xảy ra khi chiếu chùm sáng trắng qua lăng kính.
- Ánh sáng đơn sắc là ánh sáng không bị tán sắc khi đi qua lăng kính. Mỗi ánh sáng đơn sắc có một màu xác định được gọi là màu đơn sắc. Mỗi màu đơn sắc trong mỗi môi trường (rắn, lỏng, khí, chân không) có một bước sóng xác định. Khi truyền qua các môi trường trong suốt khác nhau vận tốc của ánh sáng thay đổi, bước sóng của ánh sáng thay đổi còn tần số của ánh sáng thì không thay đổi.
- Ánh sáng trắng là tập hợp của vô số ánh sáng đơn sắc khác nhau có màu biến thiên liên tục từ đỏ đến tím. Dải có màu giống như cầu vồng (có có vô số màu, được chia thành 7 màu chính đó là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) được gọi là quang phổ của ánh sáng trắng. Chiết suất của các chất trong suốt biến thiên theo màu sắc ánh sáng và tăng dần từ màu đỏ đến màu tím.
Ứng dụng của bước sóng ánh sáng
Dựa vào hiện tượng tán sắc ánh sáng, con người có thể lý giải được nhiều hiện tượng quang học trong thiên nhiên. Cụ thể là ánh sáng cầu vồng sau cơn mưa. Hiện tượng cầu vồng xảy ra do sự tán sắc ánh sáng, các tia sáng Mặt Trời đã bị khúc xạ và phản xạ trong các giọt nước trước khi tới mắt người.
Hiện tượng tán sắc ánh sáng được dùng trong máy quang phổ để phân tích một chùm sáng đa sắc, do các vật sáng phát ra, thành các thành phần đơn sắc. Hiện tượng này làm cho ảnh của một vật trong ánh sáng trắng qua thấu kính không rõ nét mà bị nhòe, lại bị viền màu sắc (gọi là hiện tượng sắc sai).
Tìm hiểu về bước sóng ánh sáng giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của bức xạ điện từ đến con người. Hy vọng bài viết đã Nanofilm giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích.
>> Bài viết liên quan: